Hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng

Trang chủ Trang chủ

Một số biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết.

03/01/2024
731
Trong những ngày lễ Tết, các bà nội trợ thường mua sắm rất nhiều loại thực phẩm khác nhau để tích trữ, “ăn dần”. Bên cạnh đó, việc ăn uống không kiểm soát cùng lúc nhiều món ăn khác nhau cũng dễ gây ra nhiều vấn đề cho hệ thống tiêu hóa, trong đó đáng nhắc đến là tình trạng ngộ độc thực phẩm. Vậy chúng ta tìm hiểu rõ hơn về nguyên cần tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm qua bài viết dưới đây.

NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM LÀ GÌ?

Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn (trúng thực), là tình trạng người bệnh bị trúng độc, ngộ độc do ăn uống phải những thức ăn, thức uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc các loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, vượt quá liều lượng cho phép các chất bảo quản, chất phụ gia,…
Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể hồi phục sau vài ngày. Trong trường hợp bị nặng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

Do bảo quản không đúng cách

Do mong muốn không phải đi chợ mỗi ngày để tập trung vào các hoạt động trong những ngày Tết, nhiều bà nội trợ đã mua một lúc rất nhiều thực phẩm và cất trữ trong tủ lạnh hoặc đông đá để lấy ra chế biến dần. Thức ăn bảo quản trong tủ lạnh quá lâu hoặc với nhiệt độ không phù hợp khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Việc lưu trữ thức ăn lâu ngày hoặc thức ăn bị ôi thiu làm thực phẩm bị biến chất, phát sinh ra các chất gây độc hại… làm tăng cao nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Do thực phẩm không rõ nguồn gốc

Đôi khi nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm là do ăn phải những thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực có nguồn nước, đất bị ô nhiễm. Hoặc do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm còn đọng lại trong thức ăn… cũng gây ngộ độc cho người ăn phải.

Do ăn cùng lúc các thực phẩm kỵ nhau

Trong thực phẩm, có những loại có thành phần dưỡng chất kỵ nhau. Chẳng hạn như rau dền kỵ với quả lê, sữa đậu nành kỵ với trứng gà, chuối kỵ với sữa, v.v… Nếu người ăn không biết và ăn cùng lúc các loại thực phẩm này sẽ có nguy cơ bị ngộ độc.

Do ăn phải những thực phẩm có sẵn chất độc

Một số thực phẩm vốn chứa sẵn chất độc như cá nóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm,… Khi ăn phải các thực phẩm này sẽ có khả năng cao bị ngộ độc.

TRIỆU CHỨNG CỦA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra sau khoảng vài phút hoặc vài giờ, cũng có thể từ 1-2 ngày sau khi hệ tiêu hóa tiêu thụ hết thực phẩm. Triệu chứng đặc trưng của ngộ độc thực phẩm đó là đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy hoặc có lẫn máu, sốt, mệt mỏi và thiếu năng lượng, chán ăn, đau cơ, ớn lạnh,…
Bên cạnh đó, tùy vào nguyên nhân gây trúng thực, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
  • Ngộ độc do vi sinh vật (các loại vi khuẩn, virus hoặc các độc tố từ vi sinh vật là một trong những nguyên nhân ngộ độc thực phẩm): Có các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Các biểu hiện mất nước như khát nước, khô môi hoặc nhiễm trùng gây sốt, liên tục vã mồ hôi.
  • Ngộ độc do thực phẩm nhiễm hóa chất: Các triệu chứng không chỉ có ở hệ tiêu hóa mà còn xuất hiện các triệu chứng khác như đau đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh bất thường, trụy mạch,…
  • Ngộ độc do thực phẩm chứa độc tố tự nhiên: Các thực phẩm chứa sẵn độc tố như sắn, măng, cá nóc, cóc,… nếu không được chế biến đúng cách, khi ăn vào sẽ gây nên những triệu chứng bất thường.

PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TRONG NHỮNG NGÀY TẾT

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết, cần lựa chọn thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm đúng cách, giữ vệ sinh trong khi chế biến và ăn uống hợp vệ sinh bằng nguyên tắc ăn chín uống sôi. Bên cạnh đó, không nên tích trữ thức ăn trong tủ đông, tủ lạnh nhiều ngày. Nên ưu tiên dùng thực phẩm tươi mới để đảm bảo sức khỏe.

Lựa chọn thực phẩm an toàn

Cần chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, không ôi thiu, kém chất lượng. Chú ý lựa chọn địa điểm buôn bán thực phẩm an toàn, uy tín.
Bên cạnh đó, không chọn những thực phẩm nghi ngờ nhiễm chất độc hóa học hoặc các loại thực phẩm chứa sẵn chất độc như nấm lạ (nấm không rõ tên, nguồn gốc và cách chế biến), khoai tây mọc mầm, cá nóc,… Nếu muốn dùng, cần nắm kỹ cách sơ chế và chế biến đúng cách để loại bỏ chất độc.

Bảo quản thực phẩm đúng cách

  • Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp và trong thời gian cho phép.
  • Nên dùng thức ăn trong ngày, không nên để qua đêm và hâm lại nhiều lần.
  • Không ăn khi phát hiện thức ăn đã có mùi vị lạ, thay đổi màu sắc và độ tươi ngon.

Chế biến thức ăn

  • Rửa tay trước khi tiếp xúc thực phẩm, trong và sau khi chế biến món ăn để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống.
  • Làm sạch các nguyên vật liệu trước khi chế biến món ăn.
  • Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng, ăn uống.

Đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết, người tiêu dùng nên nghiêm túc thực hiện nguyên tắc ăn chín uống sôi. Nếu ăn ở hàng quán, chỉ ăn ở những nơi đảm bảo vệ sinh trong chế biến, môi trường xung quanh thông thoáng, sạch sẽ. Nếu tự nấu ăn tại nhà, cần chế biến thức ăn đúng cách và hạn chế ăn món tái, món sống,… để tránh nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập gây ngộ độc.
Hiện nay, nguồn thực phẩm trên thị trường ngày càng đa dạng, phong phú tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc, nếu người tiêu dùng không có đủ kiến thức để lựa chọn được nguồn uy tín. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân ngộ độc thực phẩm thường tốn kém và khó khăn. Nhiều trường hợp phải cần đến hệ thống máy móc xét nghiệm mới có thể cho kết quả chẩn đoán chính xác. Chính vì thế, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân, kỹ lưỡng trong ăn uống là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe trong những ngày Tết. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời chữa trị nếu phát hiện có các triệu chứng nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm.
Bài viết trên đây là những nội dung chia sẻ về cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết. Hy vọng qua bài viết này sẽ cung cấp thông tin cần thiết giúp bạn đọc yên tâm và chủ động phòng ngừa bệnh tốt hơn.
(Sưu tầm)
 

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 34 đánh giá
Chia sẻ: